Du học sinh. Chim không đậu chẳng phải bởi đất không lành.

Tác giả chiconcota  |  Truyện Phiếm  |  0 Comments | 09/05/2021

Bài viết này nằm trong dự án dời nhà từ Facebook Note qua nền tảng website. Do bác Mark bác không cho viết note nữa. Bài viết này mình viết năm 2017, vào những lúc mình dở hơi.

Tiếp tục bàn luận về du học sinh nên ở hay về. Đây có vẻ là một trong những đề tài mà người Việt ta đang bàn luận nhiều nhất. Ý kiến cũng nhiều, quan điểm cũng lắm, ấy vậy mà kết luận cuối cùng là chúng nó (đám du học sinh, tôi gọi vậy cho ngắn gọn à nha) nên ở hay về thì chẳng ai có một kết luận nào cho chỉn chu, rõ ràng. Kết luận của mọi người thường là “cũng tùy”. Đi là đi ở là ở, tùy là tùy thế nào? Tình trạng nhập nhằng trong lối tư duy này xuất hiện là bởi vì: có lẽ người Việt ta hiểu sai về chảy máu chất xám, và bản chất của giáo dục. Trong bài viết này tôi muốn chỉ ra một số quan điểm rõ ràng cho những gì mình nói.

Họ làm được gì cho đất nước chứ không phải đất nước làm được gì cho họ

“Chúng nó về nước thì đất nước này giúp gì được cho chúng nó” Đó là ý kiến nực cười nhất mà tôi từng nghe. Mục đích cao nhất của việc học là để làm. Nhắc lại: “học là để làm” cho dù bạn học những ngành học như âm nhạc, văn học, toán học cao cấp, vật lý lý thuyết (những môn ít ứng dụng vào thực tế )… thì mục đích cao nhất của việc học vẫn là “làm”.

Vì thế việc du học sinh đi học về nước, thì chúng nó về nước là để làm việc, là để xây dựng đất nước chứ không phải về đây rồi Đảng và Chính phủ phải tạo thêm công ăn việc làm cho chúng nó nữa. Tạo điều kiện cho các bạn đi du học 4 năm trời ở nước ngoài với nền giáo dục tiên tiến là chưa đủ sao, còn phải bắt chúng tôi tạo công ăn việc làm cho các bạn nữa, các bạn đi học để phục vụ đất nước hay các bạn đi học để được đất nước phục vụ. Bởi vì đất nước nghèo đói, lạc hậu, bị đô hộ nên Bác mới phải đi ra ngoài tìm chân lý để cứu nước đúng không nào?

Vậy thay vì hỏi đất nước làm được gì cho họ? Thì câu hỏi phải là họ làm được gì cho đất nước? Bây giờ chúng ta sẽ xét tới năng lực của con chim chứ không phải của mảnh đất. Câu trả lời của tôi là: du học sinh mới tốt nghiệp chẳng có năng lực gì hết trơn. Du học sinh mới tốt nghiệp thì cũng là sinh viên mới ra trường thôi. Chứ họ có phải siêu nhân đâu, họ cũng là con người mà.

Một sinh viên mới ra trường ngoài khối kiến thức trong đầu thì họ chẳng có gì hết, tiền không có, kinh nghiệm không có, mối quan hệ không có, vị thế xã hội không có. Vậy bạn muốn họ làm gì ? Giả sử tôi là sinh viên khoa điện hạt nhân của trường RMIT Mỹ, học xong tôi về nước. Tôi yêu cầu bạn đưa tôi 50 tỷ USD để tôi xây nhà máy điện, chỉ bởi vì tôi mới tốt nghiệp ngành điện hạn nhân của một trường tên tuổi thế giới được 2 ngày. Bạn có dám đưa tiền cho tôi xây nhà máy điện không? Hay để tôi hỏi câu khác trực quan hơn. Bạn có bị điên không?

Vậy thì tại sao không để họ tốt nghiệp ở lại nước ngoài đi làm vài năm (có thể vài chục năm) để họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm, của cải, mối quan hệ, địa vị xã hội…. Rồi họ về nước cũng đâu có muộn mà. Bác từng nói vì lợi ích trăm năm trồng người, mới có 4 năm mà các bạn hấp tấp gì?

Muốn câu cá lớn thì phải biết kiên nhẫn chứ. Có hàng ngàn những ví dụ cho việc những người đi du học xong, không về nước liền mà ở đó công tác vài năm, rồi mới về nước, rồi mới đóng góp cho xã hội. 1923 Bác đọc được chủ nghĩa Mác, nhưng tới tận 1941 Bác mới về nước. Đọc xong chủ nghĩa Mác Bác đâu có về nước liền đúng không nè. Câu hỏi tôi dành cho các bạn: Bạn muốn rước về nước một người kiến tạo đất nước hay một anh sinh viên mới ra trường?

Chảy máu chất xám hay trao đổi chất xám?

Theo những gì tôi hiểu chảy máu chất xám là khi người có năng lực giỏi họ không chịu là việc tại đất nước mà qua nước ngoài làm việc. Vậy thì tôi thấy ở nước mình không hề có tình trạng chảy máu chất xám – ít nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật. Một sinh viên có năng lực giỏi nhất ở ngành họ học, ví dụ học điện hạt nhân thì giỏi nhất là điện hạt nhân.

Bây giờ nước mình chưa có nhà máy điện hạt nhân thì SV đó đi ra nước ngoài là đúng rồi, cái đó không phải là chảy máu mà là xuất khẩu chất xám, giống như nước mình không sản xuất được xăng thì xuất khẩu dầu đi nước khác thôi. Nói lại, vì nước mình chưa có nhà máy điện hạt nhân mà cứ giữ khư khư cái anh SV điện đó, bắt buộc anh đó phải làm việc trái với nghành mình học, thì anh ta không được làm cái anh ta giỏi nhất, anh ta sẽ bị “lụt nghề”. Cái đó không được xem là trọng dụng nhân tài mà là đang làm mai một nhân tài. Nếu đứng trên quan điểm là một con buôn, tôi thà xuất khẩu anh ta sang nước ngoài để thu kiều hối, và để anh ta phát triển bản thân. Cứ giữ khư khư anh ta, tôi chẳng được gì, còn anh ta thì lụt nghề. Nếu bạn không chịu bán dầu cho Nhật Bản thì cả đời bạn chẳng có xăng mà xài.

Đầu năm 2015 ta lọt vào danh sách 15 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Nước thì nhỏ như hạt cam mà kiều hối còn nhiều hơn cả Tây Ban Nha, Bỉ, Nga. Lượng kiều hối đó từ đâu ra? Không phải từ mấy cục chất xám mà bạn bảo đang bị chảy máu đó sao? Họ đi ra nước ngoài họ làm việc, họ trau dồi bản thân, họ gửi tiền về xây dựng đất nước, và khi họ có đủ năng lực cá nhân, họ về, họ kiến thiết đất nước. Thì bạn gọi là chảy máu chất xám? Không! Tôi không thấy chảy máu chất xám. Tôi chỉ thấy hiện tượng trao đổi chất xám thôi.

Ngoài lề một tí, giả sử những du học sinh mới tốt nghiệp về nước đi làm, thì họ cũng chỉ về làm cho những công ty nước ngoài, đại thể là làm thuê cho ngoại quốc. Thì có khác gì với việc ở nước ngoài làm thuê rồi gửi kiều hối về nước đâu? Ở nước ngoài làm thuê cho ngoại quốc. Ở Việt Nam cũng làm thuê cho ngoại quốc. Vậy thì ở nước ngoài cho rồi về Việt Nam làm gì? Tốn tiền vé máy bay.

Thêm 2 ý nhỏ 🙂

Ở quê tôi có một bác nông dân tên là Thầy Châu. Bác là Sinh viên Trường KHTN Hồ Chí Minh khoa Vật Lý, sau khi tốt nghiệp thầy không ở lại thành phố, không làm trong viện, mà thầy về quê làm giáo viên, rồi về già làm nông dân trồng tiêu. Thầy đã phổ cập việc trồng tiêu nơi quê tôi, tôi còn nhớ hồi 1992 nhà tôi còn là nhà lá từ hồi trồng tiêu, với sự hướng dẫn của thầy nhà tui đã thành nhà gạch.

Các lứa học sinh của thầy có rất nhiều người thành công. Trong đó có anh họ tôi. Thầy từng nói với tôi là nước mình nghèo không phải vì thiếu nhân tài, mà vì Sài Gòn quá giàu. Nước mình hiện nay bất kì công việc nào Sài Gòn có thì dưới quê cũng có thể tại sao các bạn không về quê để giúp ích cho quê bạn, cho nơi chôn nhau cắt rốn, mà cứ bám riết cái đất Sài thành?

Các bạn có biết dưới quê nhân công không có, những người có năng lực càng không. Trường cấp 3 của tôi 10 năm nay chỉ có duy nhất một giáo viên dạy môn sinh học. Chính các bạn mới là người không chịu đóng góp cho quê hương chứ không phải họ. Tôi không thấy chảy máu chất xám tôi chỉ thấy xuất huyết nội mà thôi.

Ý kiến cá nhân của tôi thì tôi tán thành việc các bạn du học sinh sau khi tốt nghiệp ở lại nước ngoài làm việc để trau dồi bản thân. Nhưng với những ai đã hứa là sẽ về nước, thay đổi đất nước mà học xong, không về nước thì nó hơi kì. Các bạn không có lỗi với chúng tôi, mà các bạn có lỗi với chính bản thân các bạn vì các bạn hứa mà không giữ lời. Tôi xin hết.

Mình là Lý Tất Thành

Digital marketer

Thích Dota, thích vật lý, thích marketing, thích đọc sách

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}
>